Friday, January 8, 2010

GẦN NHƯ CẢ XÃ HỘI ĐỀU THAM NHŨNG

Gần như cả xã hội đều tham nhũng
Hà Văn Thịnh, Khoa Sử, Đại học Khoa học Huế.
Thứ Sáu, 08/01/2010
http://danluan.org/node/3860

Bàn về tham nhũng và sự phổ biến của tham nhũng ở Việt Nam...

Báo Pháp luật TP HCM số ra ngày 13.12.2009 có đăng những phản hồi của các anh (chị) Lê Thuý (Đồng Nai), Hoàng Khoa về bài báo của tôi đăng ngày 11.12.2009. Trước hết, cho tôi được gửi tới các anh (hoặc chị) lời cảm ơn chân thành nhất bởi trên đời này, điều mình viết được mọi người đọc rồi phản biện, thật chẳng có gì hạnh phúc bằng. Tôi cũng mong các anh chị thông cảm vì bận việc và vì nhiều lẽ khác, mãi đến hôm nay tôi mới có thể trả lời. Tuy nhiên, cũng cho phép tôi được nói lại cho rõ một số điều, để giữa hai bên có sự hiểu biết và thông cảm hơn…

Thứ nhất, tôi cho rằng hiện nay Việt Nam đang tạo ra một số lượng người tham nhũng nhiều nhất thế giới. Nghĩa của tham nhũng (corruption) cần phải được hiểu theo nghĩa đa chiều. Các khái niệm như “một số”, “một vài” chỉ là cách nói tô hồng cho những tiêu cực tràn lan trong xã hội mà nếu chúng ta không dám nhìn thẳng vào sự thật ấy thì quả là tai hoạ. Tôi xin dẫn chứng. Thầy giáo lên lớp mà không đủ kiến thức để dạy, chỉ đọc chép là sự tham nhũng niềm tin, hiểu biết. Sĩ quan công an từ thiếu uý đến đại uý mà không có kiến thức luật pháp là tham nhũng chức quyền (ghế) bởi vì không xứng đáng là người bảo vệ luật pháp. Cũng tương tự như thế, ông Quyền Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh Đ.L., chưa có bằng lớp 12 là tham nhũng cả hệ thống luật pháp - cầm cân nảy mực điều đúng, cái hay của xã hội…

Thứ hai, tôi tin rằng, tôn giáo làm cho con người tốt hơn (tuy hiện nay tôi chẳng theo tôn giáo nào) bởi những ràng buộc, sợ bị trừng phạt, những giáo luật nhằm ngăn ngừa cái sai, cưỡng chế dục vọng để duy trì đạo đức của nó. Sống mà không sợ bất kỳ điều gì (muốn làm gì thì làm) nguy hiểm lắm. Không phải tự nhiên là cứ 3 người trên hành tinh thì có hai người đã và đang là tín đồ của một tôn giáo nào đó. Đó là sự thật hiển nhiên. Dù chúng ta có lảng tránh điều này thì chân lý đang chứng minh rằng ở các xã hội có đức tin tôn giáo bền vững, tệ nạn xã hội ít hơn rất nhiều so với những xã hội khác. Hơn nữa, tôi đã viết rất rõ rằng “đức tin tôn giáo cũng như đạo đức của những người không thờ phụng một tôn giáo nào đều dựa trên nền tảng trung thực, nhân ái”.

Thứ ba, cách đây 25 năm tôi đi dạy đại học tại chức luật, lớp có 60 người. Bây giờ (năm 2009) có những lớp đông đến 200 – 250 người. Thử hỏi, tại sao rất nhiều sinh viên luật khá giỏi ra trường không có việc làm mà cán bộ toà án, viện kiểm sát, công an vẫn đi học tại chức nhiều thế? Thời xưa học xong mới đi làm quan, thời nay ngược lại. Đó là sự tham nhũng tệ hại vì một lẽ đương nhiên là những người đi học tại chức đó phần lớn không đủ trình độ nhưng lâu nay vẫn đảm đương những trọng trách, dẫn đến án oan sai nhiều vô khối. Họ là ai? Đa số là con ông cháu cha, được ô dù hoặc tiền bạc nâng đỡ nên có chức quyền. Chính họ chứ không phải ai khác đang làm hỏng đất nước này. Tại sao không một ai biết điều đó mà cứ đổ lỗi vòng vo cho cơ chế? Cơ chế do chính con người đẻ ra cơ mà? Thực tình, tôi tin và xin nhắc lại một lần nữa rằng, đất nước ta chỉ khá hơn khi những người như tôi trở lên (trên 50 tuổi) không còn tồn tại trên thế giới này bởi chúng tôi là một thế hệ đầy khiếm khuyết và lệch lạc. Vừa rồi, tôi là một trong những người đã đấu tranh cho bằng được để ban giám hiệu trường tôi phải có những cán bộ trẻ trên dưới 40 tuổi (kết quả là 2/3 Phó Hiệu trưởng).

Thứ tư, các anh chị nghĩ sao khi Hà Nội có 8 phó chủ tịch thành phố, 20 giám đốc và 160 phó giám đốc. Nước ta có 63 tỉnh thành trong khi Trung Quốc rộng, đông dân nhường ấy chỉ có 32 tỉnh, thành, khu tự trị? Rõ ràng, bộ máy quá cồng kềnh đã nảy sinh sự lãng phí, chồng chéo, giẫm đạp lên nhau nên cha chung chẳng ai khóc, tội vạ người dân gánh hết. Dù có ai đó mất lòng, tôi vẫn nói rằng nếu tôi có quyền tôi sẽ giải tán ít nhất là một nửa các cơ quan chồng chéo, chẳng có tác dụng gì chẳng hạn như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân tập thể… Tại sao nhiều nước trên thế giới không có những tổ chức ấy mà họ vẫn tốt đẹp đó thôi? Tôi cũng xin mở ngoặc rằng tôi viết “văn hoá tham nhũng” để trong ngoặc kép tức là hàm nghĩa không thừa nhận cái gọi là “văn hoá” đó.

Thứ năm, một người là nông dân hay công nhân, lo cho gia đình, vợ con anh ta không nổi mà lại đi lãnh đạo một xã, một tỉnh thì giàu mạnh là điều chỉ có nằm mơ. Phải có thực tài. Phải chứng minh được rằng mình là một nhà quản lý giỏi mới có thể ngồi vào ghế lãnh đạo. Các anh (chị) nghĩ rằng “ghế không đẻ ra tham nhũng” là thiếu thoả đáng. Chính vì những cái ghế vô lối, chính vì tình trạng ghế ít, người muốn ngồi thì nhiều nên mới sinh ra sự hỗn loạn của thủ tục hành chính. Điều 5 trong Bộ luật cổ Hammourabie của người Lưỡng Hà (Iraq ngày nay) nói rằng: “Nếu quan toà, do thiếu công minh hoặc kém khả năng mà xử án sai thì sẽ bị phạt số tiền gấp 12 lần nguyên án và bị cách chức vĩnh viễn”. Bộ luật đó được làm ra trong khoảng thời gian từ 1792-1750 tr.CN – cách đây gần 3.800 năm. Ta có điều luật đó không? Hay là quan toà xử sai, hạ cánh an toàn, chính quyền xin lỗi rồi lấy tiền thuế của dân ra để bồi thường?

Cái ghế, tự nó, không đẻ ra tham nhũng. Nhưng cách thức xếp đặt người ngồi trên đó là cả một vấn nạn đau lòng. Con của một vị lãnh đạo cao cấp mới đây có nói rằng một trong những điều đau lòng nhất của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước lúc ông “đi xa” là các chức vụ được sắp xếp từ những mối liên quan cận huyết đã và đang trở thành kiểu cha truyền con nối khá phổ biến ở nước ta. Đó không phải là “chuyện của ghế” thì là cái gì? Thật là xót xa khi buộc phải nói ra sự thật là cả xã hội chúng ta đang sống đều liên quan đến tham nhũng tuy có người ít, kẻ nhiều. Vụ SCIC của Bộ Tài chính là một dẫn chứng điển hình: Họ tham nhũng qua bảng lương – có thể đặt tên là tham nhũng “sạch”.
Một lần nữa xin cảm ơn các anh (chị).

Huế, 8.1.2009.2009. Tel: 0914.079.210



No comments: