Friday, January 8, 2010

CHUYỆN NGƯ DÂN TRONG CON MẮT ÔNG ĐẠI SỨ TRUNG QUỐC

Chuyện ngư dân trong con mắt ông đại sứ Trung Quốc
Huỳnh Phan – Nguyễn Minh Sơn
Ngày 08.01.2010 Giờ 08:05
http://www.sgtt.com.vn/Detail23.aspx?ColumnId=23&newsid=61604&fld=HTMG/2010/0107/61604
SGTT - Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường đã khởi động năm Hữu nghị Việt – Trung với cuộc họp báo sáng 6.1 tại Hà Nội, để giới thiệu những hoạt động sẽ diễn ra trong năm, cũng như quan điểm của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Biên bản đòi tiền chuộc của cơ quan chức năng Trung Quốc với ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: TL
http://www.sgtt.com.vn/HTMG/2010/0107/61604/01.jpg

Gác lại tranh chấp, cùng khai thác

Đại sứ Tường nói: “Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhiều lần đạt được nhận thức chung hết sức quan trọng. Đó là không để cho vấn đề Nam Hải (Biển Đông) ảnh hưởng đến sự phát triển, ổn định lâu dài, bình thường của quan hệ hai nước. Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã nêu ra một sáng kiến mang tính xây dựng, đó là gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”.
Nhưng, trước khi ông đại sứ Tường nêu ra quan điểm này đúng một tuần, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố “Một số ý kiến về việc đẩy mạnh phát triển xây dựng đảo du lịch quốc tế Hải Nam”, trong đó có việc thúc đẩy phát triển du lịch tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Và, bà Nguyễn Phương Nga – người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải lên tiếng: “Việc làm nêu trên của phía Trung Quốc đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.
Khi trả lời câu hỏi báo chí về cách ứng xử thiếu nhân đạo của Trung Quốc với ngư dân Việt Nam, ông Tường nói: “Thông tin đăng trên báo chí có một số là sự thật, một số không phải là sự thật. Khi phía Việt Nam nêu vấn đề, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra ngay lập tức, nhưng kết quả xác minh của chúng tôi lại khác với kết quả của phía Việt Nam”.
Ông Tường dẫn ra ví dụ rằng, có lần Việt Nam đã can thiệp với Trung Quốc, rằng Trung Quốc đã thu giữ những công cụ đánh bắt cá, cũng như thuỷ sản đánh bắt của ngư dân Việt Nam, và phía Trung Quốc xác minh thì cho thấy họ chỉ đuổi tàu cá ra khỏi lãnh hải của Trung Quốc, chứ không có hành vi tiếp xúc với ngư dân Việt Nam. Ông Tường còn nói rằng những thông tin như vậy đã xúc phạm tình cảm tốt đẹp của phía Trung Quốc. “Khi tàu cá của Việt Nam đi tránh gió cập cảng tại những cảng không phải cảng tránh gió của Trung Quốc, chúng tôi đã đối xử nhân đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho họ có thể cập cảng. Nhưng khi rời cảng, họ lại chỉ trích Trung Quốc đối xử không nhân đạo và làm đau lòng các cơ quan hữu trách của Trung Quốc”, ông nói, đầy tâm trạng.

Bằng chứng
Trao đổi với chúng tôi quanh ý kiến của đại sứ Trung Quốc, ông Trương Ngọc Nhi – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nói: “Tất cả những vụ bắt giữ, thu giữ phương tiện hành nghề của ngư dân Quảng Ngãi, sau khi họ trở về chúng tôi đều thu thập chứng cứ bằng biên bản và gửi lên Trung ương xử lý bằng con đường ngoại giao. Khi bắt tàu cá của ngư dân mình, phía Trung Quốc thường kéo tàu đến một toạ độ khác lập biên bản”.
Ngày 16.6.2009, ba tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc bắt tại vị trí toạ độ 16040’ vĩ bắc – 112045’ kinh đông. Khi bị bắt, ngay lập tức các thuyền trưởng trên ba tàu đã gọi điện về cho người thân và đồn biên phòng 328. Ba tàu ngư dân bị bắt gồm: Tàu QNg 6597 do ông Dương Văn Thọ (thôn Tây xã An Hải, Lý Sơn), tàu QNg 6364 do ông Bùi Văn Thế (1966, thôn Tây xã An Vĩnh), tàu QNg 6517 do ông Nguyễn Chí Thạnh (1984, thôn Tây xã An Hải). Theo trình bày của ngư dân với đồn biên phòng 328, ba tàu ngư dân huyện Lý Sơn lúc đang trên đường di trú tránh bão số 2 tại toạ độ nêu trên đã bị tàu Trung Quốc bắt giữ. Chủ tàu Dương Văn Thọ (tàu QNg 6597) cùng 25 ngư dân được thả về với điều kiện sau mười ngày phải đem tiền chuộc. Biên bản mà tàu Trung Quốc bắt 37 ngư dân huyện đảo Lý Sơn có nội dung: Cơ quan xử phạt là trạm quản lý cảng cá ngư chính Trung Sa (Tây Nam – tỉnh Hải Nam – Trung Quốc) xử phạt tàu ngư dân Việt Nam vì đương sự đã vi phạm nghiêm trọng quy định “Luật Ngư nghiệp nước CHND Trung Hoa”… Tại biên bản có ghi rõ số tài khoản của một ngân hàng ở thành phố Tam Á (Hải Nam).
Trong khi đó, ông Trần Cao Mưu, tổng thư ký Trung ương hội Nghề cá Việt Nam nói, chẳng nói đến những sự vụ gần đây, có thể nhà chức trách Trung Quốc chưa xác minh đầy đủ, mà những vụ việc đã diễn ra 5 – 6 năm nay, họ vẫn không chịu xử lý. “Theo báo cáo mới đây của tỉnh Quảng Ngãi, năm 2004 phía Trung Quốc đã bốn lần bắt tàu đánh cá của Việt Nam với tổng số 17 chiếc và 210 ngư dân, và cho đến nay họ vẫn giữ lại bốn chiếc, với toàn bộ số lượng cá mà ngư dân Việt Nam bắt được”, ông Mưu dẫn chứng.
Huỳnh Phan – Nguyễn Minh Sơn



No comments: