Tuesday, January 12, 2010

CHÍNH SÁCH TÔN GIÁO tại VIỆT NAM nhìn từ vụ ĐỒNG CHIÊM

Chính sách tôn giáo tại Việt Nam nhìn từ vụ Đồng Chiêm
An Dân
Tuesday, 12 January 2010 04:38

http://nuvuongcongly.net/index.php?option=com_content&view=article&id=503:chinh-sach-ton-giao-nhn-tu-vu-dong-chiem&catid=60:muc-vu&Itemid=184
Những ngày qua, việc chính quyền Hà Nội đập phá thánh giá biểu tượng đức tin của người Công giáo, đánh đập dã man các tín hữu vô tội tại giáo xứ Đồng Chiêm đang là sự kiện thời sự nóng bỏng.
Các hãng thông tấn lớn trên thế giới đều đã đưa tin. Nhiều người đưa ra nhận định rằng vụ việc ở Đồng Chiêm cũng giống như các vụ việc tranh chấp đất đai khác giữa Giáo hội công giáo và chính quyền Hà Nội.

Thực chất vụ Đồng Chiêm là gì và đâu là hy vọng cho Giáo hội Công Giáo Việt Nam trong vụ việc Đồng Chiêm?

Ngược dòng lịch sử
Ngay khi cộng sản cướp chính quyền và nắm quyền, biết không thể đưa Giáo Hội Việt Nam thành một giáo hội tự trị kiểu Trung Quốc, chính quyền Hà Nội đã tìm hết cách để cô lập, triệt tiêu nhằm xóa sổ sự hiện diện của Giáo Hội tại Miền Bắc và sau này tại Miền Nam kể từ năm 1975. Hàng loạt các vụ bắt bớ, bỏ tù các giáo dân nhiệt thành, các linh mục, tu sĩ đã được cộng sản áp dụng trong nhiều năm. Vụ giáo xứ Trang Nứa, giáo phận Vinh là một ví dụ.
Sau khi biết không thể triệt tiêu đức tin của người công giáo bằng vũ lực và bạo ngược, chính quyền Hà Nội chuyển hướng đánh Giáo hội Công giáo bằng cách lập ra cái thứ “Ủy ban Liên lạc Những Người Công giáo Yêu Nước” và sau này là “Ủy ban Đàn Két” nhằm “phân hóa nội bộ” Giáo hội công giáo.
Đối với các tôn giáo khác như Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo… cộng sản Hà Nội cũng áp dụng một chính sách như vậy: chia để trị. Chùa chiền bị cướp bóc, thánh thất bị biến thành sân kho, nơi nuôi nhốt trâu bò, hoặc bỏ lơ để dân chiếm chùa xây nhà. Quyền tự do tôn giáo bị giới hạn bởi cơ chế ‘xin cho”. Các tôn giáo hầu như không có được những quyền tối thiểu để hành đạo, phong phẩm…

Những sự kiện gần đây
Những biến chuyển về thời cuộc buộc cộng sản Hà Nội phải có những thay đổi về lập trường chính trị cũng như về chính sách tôn giáo. Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo ra đời (năm 2004) cởi trói phần nào cho các tôn giáo có thêm không gian tự do hành đạo. Tuy nhiên, nhìn toàn cục, chính sách tôn giáo của Cộng sản Hà Nội trước sau như một: luôn tìm cách thôn tính các tôn giáo và khi không thôn tính được thì tìm cách đàn áp để dễ bề cai trị.
Những sự kiện liên quan tới tôn giáo trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây cho thấy điều đó.
Bỏ qua vụ việc Tòa Khâm sứ - giáo xứ Thái Hà, Tam Tòa, Loan Lý, Dòng Thánh Phaolô Vĩnh Long mà nhiều người cho rằng nguyên nhân sâu xa là do những tranh chấp đất đai giữa Giáo hội và chính quyền, thì việc chính quyền Cộng sản sẵn sàng ra tay đàn áp người giáo dân vô tội, đập phá tượng thờ như tượng Đức Mẹ Sầu Bi tại Đồng Đinh, tượng Mẹ Lavang ở Bàu Sen và nhất là vụ đập thánh giá ở Đồng Chiêm cho thấy vấn đề không chỉ đơn thuần là chuyện đất đai, tài sản chính quyền cộng sản đã tước đoạt của người Công giáo mà là một chính sách triệt tiêu tôn giáo có hệ thống.
Vụ việc tại Bát Nhã và chùa Phước Huệ vừa qua thực tế cũng nằm trong một kế hoạch đàn áp có hệ thống như vậy. Hơn 400 tăng ni sinh tu theo Pháp môn Làng Mai, vì không muốn lệ thuộc vào Giáo hội Phật giáo Quốc doanh, nên đã bị trục xuất khỏi chùa bới đám đông “phật tử tự phát” mà thực chất là công an giả danh côn đồ, trấn áp, dùng những biện pháp đớn hèn, bất chấp lương tri.
Quan sát các sự kiện liên quan tới các tôn giáo thời gian gần đây như
: Bát Nhã, Thánh thất Cao Đài tại Định Quán, Tin Lành Khơme – Krom… thì đều có cùng một mẫu số chung. Chính quyền cộng sản Hà Nội tìm mọi cách để điều khiển các giáo hội và khi không điều khiển được thì ra tay đàn áp một cách trắng trợn bất chấp nhân tâm.
Có thể nói rằng mục tiêu mà cộng sản nhắm ngay từ ngày cướp chính quyền và kéo dài cho tới hôm nay luôn là “xây dựng một xã hội không tôn giáo”.

Vụ việc Đồng Chiêm và những hy vọng
Vụ việc Đồng Chiêm đang gây bất bình trong công luận. Những nhát búa của chính quyền cộng sản đập xuống cây thánh giá trên Núi Thờ đang trực diện đập vào biểu tượng đức tin của người công giáo, biểu tượng của những giá trị nhân văn cao cả mà Giáo hội công giáo trong sứ mạng của mình phải ra sức bảo vệ để xây dựng một đất nước hòa bình ấm no.
Chắc chắn, chính quyền cộng sản hiểu điều đó. Nhưng, họ vấn cố tình dùng bạo lực để phá bỏ một biểu tượng đức tin mà cả tỷ người trên thế giới tôn thờ. Một sự phạm thánh có tính toán, được lên kế hoạch chi tiết, với cả một hệ thống chính trị tham gia.
Trong một xã hội mà các tôn giáo hầu như bị tê liệt bởi sự can thiệp thô bạo của chính quyền Hà Nội, thì Giáo Hội công giáo, với một hệ thống giáo lý chắc chắn, được tổ chức chặt chẽ, nghiễm nhiên trở thành một tổ chức hợp pháp đối lập với một chính quyền độc tài, toàn trị. Với mục tiêu xây dựng một xã hội không tôn giáo, Giáo hội Công giáo cũng nghiễm nhiên trở thành đối tượng để chính quyền cộng sản Hà Nội chĩa mũi dùi và vụ phá thánh giá Đồng Chiêm trở thành liều thuốc thử của chế độ đo xem sự hiệp thông trong Giáo hội như thế nào để dễ bề thao túng.
Chính quyền Hà Nội thừa hiểu thánh giá là biểu tượng tâm linh, biểu tượng của niềm tin Kitô giáo và là biểu tượng của những giá trị nhân văn cao cả mà cả tỷ người trên thế giới tôn thờ. Phá thánh giá là đánh vào lương tri các kitô hữu. Một biểu tượng cao cả như thế hôm nay bị đập phá quả thật sẽ là liều thuốc thử quan trọng giúp chính quyền cộng sản đưa ra những chính sách tôn giáo nói chung và Giáo Hội Công giáo nói riêng trong thời gian tới đây.
Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc sự phản ứng của các vị lãnh đạo Công giáo như thế nào trước biểu tượng đức tin bị phá đổ.
Câu nói “tự do tôn giáo hay là chết” lúc này đúng với cả hai phía chính quyền và Giáo hội và tùy vào thái độ của đôi bên.

12/1/2010
An Dân




No comments: