Monday, January 11, 2010

CẤM XE BA BÁNH, NGƯỜI NGHÈO KHÔNG TẾT

Cấm xe ba bánh, tiền hỗ trợ chưa cấp:
Người nghèo không tết
Ngày 11.01.2010 Giờ 08:01
http://www.sgtt.com.vn/Detail3.aspx?ColumnId=3&newsid=61665&fld=HTMG/2010/0110/61665
SGTT - Từ ngày 1.1.2010 đến nay, đã có cả ngàn người hành nghề xe ba gác bị phạt do lén lút chạy xe vào đường cấm để kiếm sống. Mỗi lần như vậy, đôi chân của họ như lại chùng xuống trước nỗi lo cơm áo gạo tiền. Với họ, tết này rất buồn!
Chiều tối ngày 9.1, khi chở hàng cho một công trình xây dựng trên địa bàn quận 3 (TP.HCM), anh Trương Quốc Lộc, nhà ở đường Trần Văn Đang, phường 9, quận 3 bị công an phường 13, quận 3 lập biên bản vì xe không giấy tờ. “Công an đòi giữ xe nhưng sau hơn hai giờ trình bày, năn nỉ do chưa nhận được tiền hỗ trợ nên đành phải lén lút chạy,… công an mới chịu cho đóng phạt và lấy xe ra”, anh Lộc cho hay.

Vay tiền đóng phạt
Để có số tiền đóng phạt anh Lộc đã điện thoại hỏi mượn khắp các bạn cùng nghề nhưng ai cũng lắc đầu: lấy đâu ra tiền. Cuối cùng anh phải nhờ vợ vay nóng trả góp. Theo anh Lộc, trước đây anh hành nghề xe ôm, cuộc sống tạm ổn nhưng khi vợ sinh đứa con thứ hai thì thật sự thiếu thốn. Thấy nghề ba gác thu nhập cao hơn xe ôm nên năm 2007, vợ chồng quyết định bán chiếc xe máy, mượn thêm tiền người thân được ba triệu đồng để mua xe. Từ ngày có xe ba gác, trừ các khoản chi tiêu trong nhà, dè sẻn tối đa, mỗi tháng vợ chồng tiết kiệm được vài trăm ngàn trả nợ. “Chạy ba gác tuy vất vả đêm hôm nhưng cũng gọi là nghề sống được. Bây giờ rơi vào hoàn cảnh như thế này thì thật sự bế tắc. Tiền hỗ trợ thì nộp đơn cả tháng nay nhưng phường trả lời là đợi quận. Lén lút chạy thì bị bắt”. Theo anh Lộc, chưa đầy một tuần, anh đã bị xử phạt hai lần và lần nào cũng phải vay tiền để đóng phạt.
Còn anh Nguyễn Văn Tho (tạm trú trên đường Tân Quý, quận Tân Phú), kể: “Cuối năm 2007, để kiếm sống trước lệnh cấm xe ba, bốn bánh thô sơ vào đầu năm 2008, vợ chồng tôi về quê cầm cố hai công đất ruộng được 20 triệu đồng, cộng với số tiền bán chiếc xe ba gác tự chế được hơn bảy triệu đồng. Vay mượn thêm 17 triệu đồng để mua chiếc xe ba gác máy Trung Quốc có giấy tờ đàng hoàng để làm ăn. Thế nhưng, với lệnh cấm xe ba gác lưu thông ở 67 tuyến đường trong thành phố có hiệu lực từ ngày 1.1.2010 thì coi như thua trắng”.

Dự định không thành
Anh Tho cho biết, nếu chạy ban ngày thì phải lén lút nhưng dễ bị phạt. Còn chạy ban đêm thì không ít lần bị công an nghi là chở đồ gian nên kiểm tra, xét hỏi. “Ngày nào kiếm được 100.000 đồng là coi như trúng mánh. Như vậy, giấc mơ chuộc lại hai công ruộng coi như tiêu”, anh Tho buồn rầu.
Theo tính toán của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hường, chạy xe ba gác, tạm trú phường 9, quận 3, thì tết năm nay sẽ đưa đứa con trai hai tuổi và vợ về ra mắt gia đình và dòng họ ở Nghệ An. Thế nhưng kế hoạch đó đã trở nên bất khả thi, vì hiện tại họ đang phải tìm đủ mọi cách kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống từng ngày. Anh Hường tâm sự: “Mấy năm trước do phải kiếm tiền trả nợ đám cưới, sinh con, năm nay tính về quê thì…” Cuộc sống cả gia đình anh Hường hiện tại chỉ dựa vào số tiền lương 1,5 triệu đồng/tháng do vợ kiếm được nhờ làm công nhân may. Từ ngày 5.1, gia đình anh Hường phải trả nhà cũ, lùi sâu vào trong hẻm nhỏ đường Trần Quang Diệu thuê một căn phòng tồi tàn chưa đầy 8m2 để tá túc.
Không chỉ có gia đình anh Hường, anh Lộc, anh Tho mà còn đó hàng ngàn những gia đình sống dựa vào chiếc xe ba gác đang đối mặt với một cái tết trống không.

bài và ảnh Đào Lê




No comments: