Friday, January 8, 2010

BUỔI GẶP BUỒN TẺ của ĐẠI BIỂU NƯỚC NGOÀI và NHÀ XUẤT BẢN VN

Buổi gặp buồn tẻ của đại biểu nước ngoài và NXB VN
Lưu Hà
Thứ sáu, 08/01/2010, 11:02
http://evan.vnexpress.net/News/doi-song-van-nghe/2010/01/3B9AE89E/
Cuộc tiếp xúc giữa giới xuất bản Việt Nam với đại biểu nước ngoài trong khuôn khổ Hội nghị văn học quốc tế diễn ra trong không khí tẻ nhạt và đơn điệu, khiến nhiều vị khách, hoặc bỏ ra ngoài hoặc phải tự thân đi tìm tác giả, tác phẩm.
Chương trình gặp gỡ với các nhà xuất bản diễn ra sáng 7/1. Đây là một trong những buổi làm việc được trông đợi nhất tại một hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên, do cách tổ chức thiếu sáng tạo, cuộc gặp đã không đạt được hiệu quả như mong đợi.
Ấn tượng thiếu thiện cảm đầu tiên là sự cẩu thả, thiếu sáng tạo của Ban tổ chức. Tuy là cuộc gặp với các nhà xuất bản, nhưng trên sân khấu hội trường làm việc vẫn giữ nguyên phông cũ về buổi thảo luận "Thơ Việt Nam hiện đại" diễn ra một ngày trước đó. Cử tọa được bố trí ngồi trong một không gian rộng, theo hình vòng cung. Nhưng đoàn chủ tọa và các diễn giả lại phát biểu trên sân khấu lớn, tạo nên một khoảng cách khá xa đồng thời gây ra sự bất tiện cho người nghe.
Trái ngược với những mong đợi về một cuộc thảo luận đa chiều giữa các nhà xuất bản Việt Nam với đối tác nước ngoài, cuộc gặp trở thành một buổi đọc phát biểu tẻ nhạt. Đại diện các nhà xuất bản lần lượt lên đọc các bản giới thiệu về nhà xuất bản của mình: thời điểm thành lập, quá trình phát triển, thể loại sách ấn hành... Hầu hết, họ không nêu ra câu hỏi hay đề xuất gì với cử tọa cũng như các dịch giả, đối tác nước ngoài. Một số đại biểu, vì sốt ruột với những bài đọc lê thê, đã phải bỏ ra ngoài hành lang hoặc tự đi tìm các tác giả trẻ có mặt tại buổi gặp.
Ban tổ chức thông báo, có khoảng 12 nhà xuất bản tham gia trưng bày sách, giới thiệu với hội nghị. Nhưng thực tế, chỉ có khoảng 6 nhà xuất bản đặt các giá sách trong hội trường với số đầu sách khiêm tốn. Một số nhà chuẩn bị khá cẩn thận catalogue bằng các tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung để "tiếp thị" như NXB Giáo Dục, NXB Thế Giới... Số còn lại phần lớn chỉ trưng bày một số đầu sách trong và ngoài nước đã xuất bản của mình. Trong số đó có cả những sách dạy nấu nướng, dạy cắm hoa, rất lạc lõng tại một hội nghị giới thiệu văn học Việt Nam.
Tuy ít ỏi, nhưng các gian sách này cũng trở thành chỗ để nhiều dịch giả, nhà văn nước ngoài ngó qua ngó lại. Tại gian trưng bày của NXB Phụ Nữ, hai cha con nhà văn Thái Lan Khamsing Srinawk và Tvensiri Srinawk mừng rỡ khi thấy hai cuốn sách của Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh) và Nguyễn Huy Thiệp (tập truyện ngắn). Ông Khamsing chỉ vào cuốn Nỗi buồn chiến tranh (bản tiếng Việt) và nói: "Đây hẳn là The Sorrow of War (tên tiếng Anh của cuốn sách). Bảo Ninh là bạn tôi. Rất tiếc, tôi không gặp ông ấy ở hội nghị này".
Còn nhà văn Helmuth A. Niederle (Áo), không biết chữ tiếng Việt nào, nên chỉ quanh quẩn cạnh gian sách của NXB Thế Giới, nơi có rất nhiều sách tiếng Anh. Ông chọn mua một số
cuốn sách ảnh về văn hóa Chăm, Tây Nguyên của tác giả Nguyễn Văn Kự. "Tôi thấy lạ và tò mò. Có thể nó sẽ giúp tôi nhiều trong việc tìm hiểu về một nền văn hóa".
Styrbjorn Gustafsson - giám đốc NXB Trana, Thụy Điển - là một trong những đại biểu nước ngoài rất năng động trong việc tìm kiếm các tác giả trẻ Việt Nam. Tại buổi làm việc với các nhà xuất bản, thay vì lắng nghe diễn giả, ông đi lại gặp gỡ và nói chuyện với một số tác giả trẻ. Chia sẻ với eVan.VnExpress.net, ông nói: "Tôi đã gặp một số nhà văn rất thú vị, ví như tác giả Di Li. Có thể chúng tôi sẽ có sự hợp tác nào đó".
Sáng nay (8/1), Hội nhà văn gặp gỡ riêng với các đại biểu nước ngoài. Từ chiều nay, hội nghị sẽ tổ chức cho các khách mời bắt đầu các chuyến tham quan danh lam thắng cảnh lịch sử, văn hóa ở Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội), Phủ Thành Chương (Sóc Sơn, Hà Nội)...

Tin liên quan :
Những chuyện lôm côm tại Hội nghị văn học quốc tế
Đưa văn học Việt Nam ra thế giới: "tiếp thị" thế nào?
Loay hoay xuất khẩu văn chương Việt
Xuất khẩu văn học Việt: Còn nhiều khó khăn
Xuất khẩu văn chương: Cách nào?



No comments: