Thursday, January 14, 2010

ĐẢO OKINOTORI của NHẬT khác số phận với HOÀNG SA & TRƯỜNG SA của VIỆT NAM

Đảo Okinotori của Nhật khác số phận với Hoàng Sa và Trường Sa Của Việt Nam
Ngô Văn
Cập nhật ngày: 14/01/2010
http://www.viettan.org/spip.php?article9406
Nếu so sánh với quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa của Việt Nam thì đảo Okinotori của Nhật chẳng thể nào sánh nổi về nhiều mặt. Okinotori chỉ là một hòn đảo san hô nhỏ với diện tích chừng 1 cây số vuông, cách thủ đô Tokyo khoảng 1700 cây số về hướng nam. Nhưng hòn đảo nhỏ bé này lại là nơi mà Trung quốc muốn xâm chiếm từ lâu. Vì đảo Okinotori cách xa đất liền của Nhật như vậy nên Trung quốc cho rằng hòn đảo này nằm trong khu vực khai thác kinh tế chung của các quốc gia trong vùng và bác bỏ tất cả những lời tuyên bố của Tokyo về chủ quyền của họ trên hòn đảo này.

Theo những chứng cứ lịch sử mà Nhật đã trưng dẫn thì hòn đảo san hô này được các thủy thủ trên một chiếc tàu Tây Ban Nha tìm thấy vào năm 1565 và đặt cho nó cái tên bằng tiếng Tây Ban Nha là Parece Vela. Năm 1639, tàu Hòa Lan phát hiện ra rồi đặt tên đảo là Engeldroogte. Năm 1789, một nhà ngoại giao người Anh, ông William Douglas, khám phá ra rồi đặt cho nó một cái tên khác là đảo san hô Douglas (Douglas Reef). Năm 1920, Liên minh Quốc tế (có trụ sở Trung ương ở Geneve) ủy nhiệm cho Nhật Bản quản trị hòn đảo này. Năm 1922, Nhật đưa tàu trắc lượng ra đo đạt và đến năm 1931 thì đặt đảo này dưới sự kiểm soát hành chánh của Tokyo theo cáo thị số 163 của bộ Nội vụ Nhật. Năm 1940, Nhật đã cho dựng cột hải đăng và định xây một phi trường thì bước vào cuộc chiến Thái Bình Dương nên phải đình hoãn. Chiến hạm Mỹ đi ngang qua đã bắn phá nơi dựng cột hải đăng, hiện vẫn còn nhiều dấu tích.

Trong những năm gần đây Trung quốc thường đưa tàu chiến ngụy trang hay tàu thăm dò dầu khí có hải quân hộ tống đến gần đảo Okinotori; mỗi lần như thế Tokyo đều lên tiếng phản đối và cho hải quân Nhật ra đuổi đi. Nhiều lần tình hình căng thẳng đến độ tưởng chừng như sắp xảy ra giao tranh. Dân chúng Nhật kéo xuống đường biểu tình trong trật tự, mạnh mẽ phản đối hành động xâm lược của Trung quốc. Hiển nhiên, tại Nhật, chính phủ không có quyền ngăn cấm hay giải tán hay bảo rằng đây là vấn đề ngoại giao đã có nhà nước lo.

Bất chấp những công văn phản đối chính thức của Tokyo, Bắc Kinh vẫn liên tục tìm những lý lẽ khác để kéo tàu bè đến gần đảo Okinotori. Họ viện cớ đây là vùng biển chung của các nước trong vùng nên tàu Trung quốc có quyền lui tới. Tokyo liền đem luật quốc tế quy định về 200 hải lý (370km) ra để đối chất rằng trên nguyên tắc tàu bè các nước trong vùng có quyền lui tới vùng biển xung quanh đảo Okinotori, nhưng không có quyền khai thác hay thăm dò tài nguyên thiên nhiên dưới lòng biển ở đây nếu không có sự đồng ý của Nhật Bản.

Để ngăn chận ý đồ xâm lược của Trung quốc, vào ngày 5/1/2010, Tokyo quyết định lên kế hoạch xây một hải cảng ở đảo Okinotori. Bắc Kinh lập tức lên tiếng phản đối. Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung quốc, bà Khương Du, vào ngày 7/1/2010, họp báo tuyên bố là việc xây dựng một cơ sở hạ tầng sẽ không làm thay đổi vị trí pháp lý của hòn đảo san hô Okinotori; và những chứng cứ mà Tokyo đưa ra không thể là cơ sở cho bất kỳ một tuyên bố nào của họ về chủ quyền hòn đảo Okinotori này. Đọc đến đó, nhiều người Việt không khỏi tự hỏi đến bao giờ phát ngôn nhân Việt Nam mới dám tuyên bố rằng các sân bay, hải cảng mà Bắc Kinh đã xây tại Hoàng Sa, Trường Sa không thay đổi vị trí pháp lý và chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo này.

Trở lại chuyện Nhật Bản, từ trước đến nay, chính phủ Nhật ít khi đề cập đến việc tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Trung quốc và các nước trong vùng. Nhưng vào đầu tuần qua báo chí phát hành tại Tokyo bắt đầu đề cập đến chuyện Bắc Kinh mở dịch vụ du lịch ở quần đảo Hoàng Sa, nơi đang xảy ra tranh chấp của nhiều nước chưa được giải quyết. Nhiều bình luận gia kết luận đây là một hành động sai lầm, mang tính bá quyền, ỷ mạnh hiếp yếu. Các báo Nhật cũng báo động là một khi Trung quốc khống chế được biển đông thì chẳng riêng gì Nhật, mà tàu bè của mọi nước qua lại vùng này sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thật đáng buồn khi báo Nhật mà còn viết được như vậy, trong khi hệ thống truyền thông của Việt Nam đều nín thinh, chẳng những không dám lên án hành động xâm lăng của Bắc Kinh đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam; đó là chưa kể đến một vài trang mạng của đảng và nhà nước CSVN phổ biến việc lính Trung quốc diễn tập tại Biển Đông, khẳng định chủ quyền của Tàu kéo dài đến vùng đảo Hoàng Sa. Thật nhục nhã. Ngay trong cuộc họp báo của viên đại sứ Trung quốc ở Hà Nội vào ngày 6/1/2010, chẳng có một ký giả nào dám đặt thẳng câu hỏi tại sao Trung quốc xâm lăng lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam rồi lại dám răn đe đừng phản đối. Người ta chỉ thấy những câu hỏi cò mồi mà Blogger Đinh Tấn Lực gọi là đậm tính xum xoe/khúm núm/cung cúc đến mức đáng khinh.

Chỉ cần tinh tế một chút, người ta có thể thấy ngay đây là cơ hội cho Việt Nam kéo thêm đồng minh Nhật cùng lên tiếng phản đối chính sách xâm lấn của Trung quốc, mà trắng trợn nhất là phát triển du lịch ở quần đảo Hoàng Sa. Nhưng lãnh đạo CSVN chẳng bao giờ dám làm vậy vì họ đã chấp nhận dâng đất, nhượng biển cho Trung quốc từ lâu rồi. Nay Hà Nội chỉ còn phản đối chiếu lệ để người dân khỏi bất mãn mà thôi. Nếu cả chính phủ lẫn người dân đều đồng lòng giữ nước như xứ Nhật thì Bắc Kinh khó lòng đụng đến một tấc đất, một thước biển của Việt Nam.



No comments: