Monday, January 11, 2010

5 CĂN BỆNH TRẦM KHA CỦA LÀNG BÁO VHVN VIỆT NAM

5 căn bệnh trầm kha của làng báo VHVN Việt Nam
Phanxine’s World
10Jan/10
http://www.phanxineblog.com/?p=3595
Tui tự hứa sẽ hạn chế tối đa việc nói xấu (viết tắt của cụm từ "nói ra sự thật xấu xa"), mắng chửi, vạch tội của các bạn phóng viên/ nhà báo VHVN trong năm 2010. Trước khi thực hiện lời hứa đó, để tui nói 1 lần cho nó hết (ko hết mốt nói tiếp hehehe)...
Có thể nói là trong mấy năm qua, các bạn phóng viên/ nhà báo VHVN ở Vn chắc cũng nhiều người hận tui lắm vì tui thỉnh thoảng lại đá một phát. Nhưng nhiều khi tui muốn kiềm chế mà không được. Chướng tai gai mắt ngay trước mặt mà.
Có điều tui nghĩ là thôi giờ mình nói một lần xong rồi thôi, vì thật ra bản tính người ta đã thế, có muốn sửa cũng khó...

Sau đây là 5 cái bệnh tui thấy thường xuyên trên mặt báo, chỉ điểm ra, hy vọng là bạn đọc báo dựa vào đây để tỉnh táo khi đọc báo, còn những bạn trẻ khi viết báo nếu có lương tâm lấy đó mà suy nghĩ, còn chuyện nghe theo đó hay không thì tùy.

1. Bệnh thiếu hiểu biết

Những kiến thức căn bản về chuyên môn, từ chuyên môn làm báo đến chuyên môn của đề tài mình viết, đều yếu kém là căn bệnh đáng sợ nhất của nhiều nhà báo của trang mục VHVN. tui thường nhại kiểu viết của các bạn nhà báo khi bình luận về ca sĩ ngày nay 'chỉ cần có ngoại hình đẹp là có thể thành ca sĩ' để nói, không cần ngoại hình đẹp, không cần tài năng, chỉ cần biết viết chữ thôi (nhưng không nhất thiết phải hiểu và viết đúng chính tả) cũng có thể làm nhà báo VHVN. Viết về phim ảnh nhưng không hiểu công đoạn làm phim là gì, góc máy là gì, ngôn ngữ điện ảnh là gì. Đáng sợ là dù thiếu hiểu biết nhưng lại lười học hỏi, không trau dồi bản thân, và thích tỏ ra thông minh hơn người làm phim để phán xét họ.
Vì không hiểu biết, các bạn cũng không thể đánh giá được những thành tựu đạt được trong mỗi bộ phim. bất kỳ bộ phim nào của VN trong vài năm trở lại đây mà tui xem đều có những bước tiến về tay nghề làm phim, không ở kịch bản thì ở diễn xuất, không ở quay phim thì ở âm thanh, không ở kỹ xảo thì ở dựng phim. Những điều đó không bao giờ được nhìn nhận trên mặt báo.

2. Bệnh lười biếng
Lười trau dồi kiến thức của mình trong chuyên môn. Lười kiểm tra thông tin được gửi đến. Hãng phim gửi Thông cáo báo chí viết cái gì thì cứ copy rồi paste không cần biết đúng sai, xong để tên mình vào làm tác giả. Chẳng hạn phim Avatar mà báo nào cũng ghi là phim 3-D đầu tiên trên thế giới chỉ vì Megastar gửi TCBC bảo thế. Dĩ nhiên cũng có phong bì che mắt nắn tay mà viết theo những gì người ta muốn trong đó, nhưng đó là chuyện khác. Lười biếng xem phim để biết thế giới có cái gì, quanh đi quẩn lại toàn đọc báo người ta viết về phim nào đó rồi phán theo đó. Lười biếng ra rạp xem phim để biết rạp đông hay vắng, khán giả ra sao. Thiếu hiểu biết, lại lười biếng, thật ra cũng là do căn bệnh thứ ba.

3. Thiếu trách nhiệm
Mỗi khi tui viết cái gì tui cũng hay kiểm tra thông tin của mình hai ba nguồn, bởi vì tui nghĩ mình không chỉ có trách nhiệm với bài viết của mình, với độc giả của mình, mà còn với chính bản thân mình, với cái tên của mình. Mỗi ngày đọc báo, tui thấy có hàng chục lỗi sạn không đáng có, bởi người viết có lẽ không có chút trách nhiệm gì với những gì mình viết. Ngày xưa còn bảo là không kiểm tra nguồn được vì khó khăn về thông tin, chứ bây giờ muốn tìm hiểu cái gì thì chỉ cần google với wikipedia là ra. Thế nhưng vẫn nhan nhản những tin tức dịch sai, dịch ẩu, những tin tức xào nấu không kiểm chứng. Chẳng hạn như hồi Chơi vơi chiếu, chẳng hiểu từ đâu mà đẻ ra cái tin phim chỉ chiếu 2 xuất buổi trưa, trong khi nếu một nhà báo có tâm thì đã thử đi tìm hiểu tận nơi, và đi ra rạp để thấy phim này chiếu ở Galaxy 3 xuất/ngày, chiếu ở Megastar 5 xuất/ ngày, từ trưa đến tối. Lười + thiếu hiểu biết + vô trách nhiệm của vài phóng viên đã khiến cho việc phát hành phim Chơi Vơi đã khó khăn càng khó khăn hơn.

4. Không thật long
Tui từng chứng kiến nhiều bạn phóng viên đi xem phim giải trí về thì khoái chí ra mặt, bảo đi xme phim nghệ thuật thì lè lưỡi, nhưng viết báo thì vẫn cứ giọng điệu 'tại sao phim Việt Nam làm phim giải trí, không có giá trị nghệ thuật?'. người viết không viết thật lòng, bởi vì sợ người ta đánh giá bản thân mình, mà vì thiếu hiểu biết thì càng sợ người ta đánh giá mình hơn. Chẳng hạn xem Chơi Vơi tuy không hiểu nhưng không dám chê thẳng, vì phim đã đoạt giải thưởng quốc tế, nên viết bài nào cũng ậm à ậm ừa, vô cùng gỉa dối. Xem Dòng Máu Anh Hùng thì thích mê tơi nhưng vẫn bảo, phim chỉ được cái giải trí, chẳng có gì hơn, như thể mình rất thích nghệ thuật.

5. Xa lạ với công chúng
Thiếu hiểu biết chuyên môn thì đã là xa lạ với người trong nghề đã đành - có lẽ những người làm nghề nhìn giới nhà báo viết bình phim chỉ bằng nửa con mắt không nể trọng gì khi những bài viết thể hiện sự non kém của người viết, các bạn nhà báo còn xa lạ với công chúng. Ví dụ các bạn thì cứ gào lên Bỗng dưng muốn khóc là phim dở, khán giả chê bai, nhưng tự nhiên nó đoạt giải khán giả bình chọn phim được yêu thích nhất. Phim nào các bạn chê thì tự nhiên ăn khách, phim các bạn ca tụng, kiểu khán giả xem vỡ òa trong nước mắt, thì người ta chỉ cười khẩy với nhau vì hiểu quá vì sao. Phim nghệ thuật chân chính thì các bạn không đủ hiểu biết để thẩm thấu, các bạn nhân danh công chúng thị hiếu kém mà miệt thị 'làm phim chỉ có một nhúm người xem thì có gọi là nghệ thuật'. Phim giải trí vui vẻ để phục vụ đám đông thì các bạn khoái chí nhưng không muốn bị xem thường, các bạn miệt thị 'phim chỉ chạy theo những thị hiếu tầm thường của khán giả, không có chút giá trị nào'.

Thật ra, nói ra cho sướng miệng tui thế thôi, chứ tui biết rằng nói cũng chẳng có làm tình hình khác hơn được. Có điều thôi cứ nói, vì biết đâu trong số 100 người đọc blog mình, có một người rung rinh cảm động.
Vậy cũng là vui rồi...

(viết bài này và nghĩ, lâu rồi tui chẳng còn viết bài về anh Đãng, anh Dũng, anh Chuyên và nhiều người làm phim khác. Tự nhiên nhớ Dũng khùng hồi trước khi tui đi học có nói đại loại, chú đi học thế này có khi nước nhà mất đi một người viết phê bình phim hay ho mà thêm một thằng làm phim cùi bắp... hihi.... )



No comments: