Saturday, November 8, 2008

CÁC VĂN SĨ CHÀO ĐÓN VỊ TỔNG THỐNG CÓ THIÊN KHIẾU VĂN HỌC

Giới văn học đa màu chào đón vị tổng thống có thiên khiếu văn học
Writers welcome a literary president-elect
By HILLEL ITALIE, AP National Writer Hillel Italie, Ap National Writer

Thu Nov 6, 7:25 am ET
http://news.yahoo.com/s/ap/20081106/ap_en_ot/writers_and_obama/print;_ylt=AqB0rO29Vj_9VoBLuvXM0jZY24cA

Mùa đông vừa qua, văn hào Nobel Toni Morrison nhận được cú điện thoại của Nghị sĩ Obama, lúc ấy vẫn còn yếu thế so với Nghị sĩ Hillary Rodham Clinton trong cuộc chạy đua để được đại diện đảng Dân Chủ ra ứng cử Tổng thống.

Obama đã liên lạc với Morrison kêu gọi sự giúp đỡ của bà. Nhưng trước khi họ thảo luận chuyện chính trị, văn hào và ứng cử viên đã chuyện trò đôi câu về văn chương.
“Ông nói với tôi về một trong những tiểu thuyết mà tôi đã viết, Song of Solomon (Bài Ca của vua Solomon) và nó đã ảnh hưởng đến ông như thế nào,” Morrison trả lời trong cuộc phỏng vấn sau cuộc ứng cử ở văn phòng của bà trong trường đại học Princeton, nơi bà dạy môn sáng tác văn chương từ nhiều năm qua.
“Và tôi đã đọc tác phẩm đầu tay của ông, hồi ký Dreams from My Father: A Story of Race and Inheritance (Những Giấc mơ của Cha Tôi: Một Câu Chuyện về Chủng Tộc và Di Sản). Tôi đã vô cùng thán phục khả năng viết, suy nghĩ, hổi tưởng, học hỏi và sáng tác những đoạn rất hay. Tôi vô cùng ngưỡng mộ. Đây không phải chỉ là một quyển tiểu sử chính trị bình thường.”

Đối với Morrison và nhiều người khác, sự thắng cử của Obama quan trọng không phải bởi vì ông là vị Tổng thống da đen đầu tiên hay bởi vì đại đa số giới cầm bút thường thường bầu cho đảng Dân Chủ. Giới văn học chào đón Obama như một người cùng giới, người suy nghĩ, người của chữ nghĩa – chữ nghĩa của chính ông.
“Khi tôi xem Obama đọc diễn văn thắng cử (tối thứ Ba, ngày 4 tháng 11), tôi tin là ông đã tự viết bài diễn văn này, và vì vậy những gì ông phát biểu là những gì ông thật sự ấp ủ trong tim óc,” Jane Smiley, tác giả quyển A Thousand Acres (Ngàn Mẫu Đất) đã nói thế.
“Tôi thấy bài diễn văn tự viết của chính trị gia sẽ có tính thuyết phục mạnh hơn những lời nói thông thường được viết ra bởi các nhà văn viết diễn văn chuyên nghiệp. Nếu ông nói dối với chúng ta, ông sẽ thật sự phản bội con người thầm kín nhất của ông.”
“Cho đến bây giờ, bản sắc nhà văn của tôi chưa bao giờ trùng hợp với lý lịch của tôi như một công dân Mỹ - trong tám năm qua, tôi dùng văn của mình như một liều thuốc chống lại hay một sự định nghĩa lại khái niệm về bản sắc Mỹ của tôi,” nhà văn Johnathan Safran Foer, tác giả tiểu thuyết siêu hư cấu (meta-fiction) Everything is Illuminated (Mọi Vật Đều Được Chiếu Tỏ) đã phát biểu ý kiến.
“Nhưng điều quan trọng nhất, có được một Tổng thống cũng từng là nhà văn – và tôi không ngụ ý chỉ là một tác giả có tác phẩm được xuất bản, mà là một người hiểu biết toàn vẹn giá trị của sự chọn lời chọn chữ - bất thình lình tôi thấy mình, lần đầu tiên trong đời, không phải chỉ là một người viết tình cờ là người Mỹ, nhưng là một nhà văn Mỹ thực sự.”

Những Giấc Mơ của Cha Tôi và sách biện luận The Audacity of Hope (Sự Cả Gan của Hy Vọng) là hai quyển sách của Obama–mỗi cuốn đã được bán hằng triệu quyển và đã được ngợi khen là những tác phẩm được viết bởi chính trị gia mà thật sự người đọc muốn thưởng thức. Thơ Obama sáng tác từ thời còn đi học cũng được ngợi khen – và được nhà phê bình nghiêm khắc Harold Bloom so sánh với thơ của Langston Hughes, một nhà thơ Hoa Kỳ da đen nổi tiếng của thời Phục Hưng Harlem (Harlem Renaissance) khi văn hóa da đen được phồn thịnh ở khu phố Harlem, New York.

Toni Morrison, tác giả của quyển A Mercy (Một Thương Xót) sẽ được xuất bản trong tuần tới, đã ủng hộ Obama từ tháng Giêng, mặc dù bà là bạn và cũng rất ưu ái ngưỡng mộ Hillary Rodham Clinton. Bà đã nổi tiếng là người gọi Bill Clinton là vị Tổng thống da đen đầu tiên. Như thể bà đang phê bình một tác phẩm, Morrison gửi thông điệp ủng hộ vị Tân Tổng Thống bằng cách trích dẫn “óc trí thức, lòng đức độ và sự chân thật hiếm hoi” của Obama cùng “khả năng sáng tạo và nhận định sâu sắc [của ông] đã tạo thành sự uyên thâm.”

Morrison tự hỏi không biết những người bạn đã quá cố của bà sẽ phản ứng như thế nào, như James Baldwin (“Tôi nhớ ông ấy quá," bà nói), tiểu thuyết gia da đen trong thập niên 1960 đã trách cứ Robert Kennedy là khinh thị dân da đen khi Kennedy tiên đoán (rất chính xác) rằng trong vòng bốn mươi năm nước Mỹ sẽ có một vị Tổng Thống da đen. Morrison cũng nói đùa rằng nếu tác giả Ralph Ellison của tác phẩm Invisble Man (Người Vô Hình) còn sống ông có lẽ sẽ sửa lại tên tác phẩm kinh điển về tâm trạng vô hình của những người da màu của ông thành Người Hữu Hình.

Ayelet Waldman, với tác phẩm Daughter’s Keeper (Người Gìn Giữ Con Gái Mình) là người ái mộ Obama kể từ khi cả hai còn học ở Harvard. Chồng của bà, nhà văn Michael Chabon, trở nên người ủng hộ Obama bởi vì “văn của ông, và chất lượng của những bài văn xuôi của ông,” Waldman nói. Cả hai đã cùng nhau thuyết phục tác giả Rick Moody quay sang ủng hộ Obama, vì trước đây ông đã ủng hộ Hillary Clinton.
“Tôi nghe bài diễn văn của Obama trên đài radio quốc gia công cộng NPR (National Public Radio), ít lâu trước khi kỳ tuyển cử đợt đầu ở New York và cảm động đến chảy nước mắt. Ngay lúc đó tôi đã nghĩ về ông như một nhà văn, qua cách ông đã và đang lắng nghe ngôn ngữ thường nhật, cũng như cách xử dụng vô cùng chính xác những chữ thích hợp cho một câu văn,” Moody phát biểu, tác phẩm của ông bao gồm The Ice Storm (Bão Tuyết Đá) và The Deviners (Các Tiên Tri).
“Nhưng tôi cho rằng vấn đề chính là văn hóa. Có một dòng chảy từ bên trên xuống, cũng giống như nghệ thuật đã hiện diện cùng một lúc ở bên trong và bên ngoài nền văn hóa để tạo nên một tổng thể. Ở Mỹ, bạn có thể cảm thấy vào thời của Bush chẳng ai xem trọng văn hóa. Bọn người không ưa thích nghệ thuật, văn học, khiêu vũ, phim ảnh, thường kiếm mọi cớ để che dấu thái độ khinh thường này. Hiện nay đã có bằng chứng để chúng ta tin rằng chúng ta đang bước vào thời kỳ tươi đẹp hơn.”

Nguyễn thị Hải Hà lược dịch
7.11.2008
http://damau.org/2008/11/gi%e1%bb%9bi-van-h%e1%bb%8dc-da-mu-cho-dn-v%e1%bb%8b-t%e1%bb%95ng-th%e1%bb%91ng-c-thin-khi%e1%ba%bfu-van-h%e1%bb%8dc/


Ann nixon cooper: chứng nhân lịch sử 106 tuổi của barack obama
Nguyễn Thị Hải Hà
6.11.2008
http://damau.org/2008/11/ann-nixon-cooper-ch%e1%bb%a9ng-nhn-l%e1%bb%8bch-s%e1%bb%ad-106-tu%e1%bb%95i-c%e1%bb%a7a-barack-obama/

Barack Obama, vị Tổng thống mới sẽ bắt đầu nhiệm kỳ sau ngày 20 tháng Giêng năm 2009, đã đọc bài diễn văn mừng thắng cuộc tranh cử trước 125,000 cử tọa trong công viên Grant, thuộc Hutchinson Field, Chicago, tiểu bang Illinois. Nhà chính trị có năng khiếu diễn thuyết phi thường đã cảm ơn gia đình và những người đã ủng hộ ông, vinh danh Hoa Kỳ là vùng đất hứa của dân chủ tự do, kêu gọi đoàn kết thống nhất nội bộ và hứa hẹn một quốc gia Hoa Kỳ trong tương lai sẽ có những thay đổi tốt đẹp hơn. Ông phát biểu:
“Cuộc tuyển cử này có nhiều cái đầu tiên và rất nhiều giai thoại sẽ được kể lại cho nhiều thế hệ. Nhưng ý nghĩ của tôi đêm nay hướng về một phụ nữ đã thực hiện quyền bầu cử của bà ở Atlanta. Vị phụ nữ này cũng như cả triệu người khác đã sắp hàng bầu cử để tiếng nói của họ được phát biểu qua lá phiếu của họ, chỉ khác một điều – Ann Nixon Cooper năm nay 106 tuổi.”

Ann Nixon Cooper là ai và vì sao bà được nhắc đến trong bài diễn văn mừng chiến thắng của vị Tổng Thống thứ 44 của Hoa Kỳ?

Ann Louise Nixon sinh ngày 9 tháng Giêng năm 1902 ở Shelbyville, Tennesse. Là con của một gia đình đông con, bà có 6 anh chị em. Sau khi mẹ mất, anh chị em của bà bị chia ra tứ tán. Bà được người dì nuôi. Bà dì này là người giúp việc cho gia đình da trắng giàu có. Năm 1922 bà kết hôn với Albert Berry Cooper, một nha sĩ ở Nashville, Tennessee. Đôi vợ chồng son dọn về Atlanta, Georgia, và sự nghiệp của ông phát triển thịnh vượng. Suốt đời bà làm nhiệm vụ nội trợ, ngoại trừ năm 1923 có một thời gian rất ngắn bà làm việc cho hãng bảo hiểm Atlanta Life Insurance Company. Bà phục vụ cộng đồng bằng cách thiết lập hội giúp trẻ em gái da đen ở Atlanta (Girl Club for African – American Youth) và hơn 50 năm bà là thành viên của Hội Đồng Quản Trị Bách Thảo của Gate City (Gate City Nursery Association). Bà tham gia chương trình dạy học cho dân trong vùng với nhà thờ Ebenezer thuộc dòng Baptist. Năm 1980, bà được đài truyền hình WXIA-TV của Atlanta thưởng huy chương cho thành quả phục vụ cộng đồng qua những hoạt động giúp đỡ người nghèo và nâng cao đời sống của cộng đồng da đen. Năm 2002, bà được thưởng huy chương về những công trạng phục vụ cộng đồng và phần thưởng của Thư Viện Tham Khảo Auburn Avenue vì những đóng góp có giá trị lịch sử văn hóa của người Mỹ gốc châu Phi.
Ann Nixon Cooper ra đời một năm sau khi Theodore Roosevelt Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ nhậm chức (1901); Kể từ thời Roosevelt cho đến lúc Obama nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, Ann Nixon Cooper đã chứng kiến 18 đời Tổng thống. Hầu hết các vị Tổng thống này đã qua đời trong đó có Nixon, Reagan, và Ford là các vị Tổng Thống cận đại nhất.

Bà được sinh ra đời chỉ cách một thế hệ sau thời kỳ nô lệ; khi trên đường không có xe hơi và không có phi cơ trên bầu trời; khi một người như bà không có quyền bỏ phiếu vì hai lý do – vì bà là phụ nữ và vì màu da của bà.
(Trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình CNN bà cho biết đã từng bị từ chối không cho bỏ phiếu vì màu da và từng bị một người đàn ông da trắng hăm dọa trên xe buýt.)
[1]

Trong bài diễn văn mừng chiến thắng của Tân Tổng Thống Obama, Ann Nixon Cooper được chọn như biểu tượng của tinh thần quảng đại, kiên trì và cởi mở của Hoa Kỳ vì bà có cơ hội chứng kiến rất nhiều diễn biến trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại, như mất mát và hy vọng, cố gắng và tiến bộ, hoặc có những tệ trạng mà người ta bảo không thể thực hiện nhưng dân Mỹ cứ tiếp tục cố gắng cải tổ tình thế cho đến khi thành công. Obama nhận xét:
Vào thời kỳ mà phụ nữ không được quyền có tiếng nói và hy vọng của họ bị dập tắt, bà đã chứng kiến chuyện họ đứng lên, phát biểu ý kiến và bỏ phiếu.

Ann Nixon Cooper đã chứng kiến thời kỳ Dust Bowl (Bão Bụi)
[2] và cơn khủng hoảng kinh tế của thập niên 1930 và nhìn thấy nền kinh tế được phục hồi. Bà chứng kiến hòa bình tự do dân chủ nước Mỹ bị đe dọa qua vụ bom ở Trân Châu Cảng thời Đệ Nhị Thế Chiến với những nhà lãnh tụ độc tài muốn nắm trọn thế giới trong tay và nước Mỹ đã vượt qua khó khăn để khôi phục hòa bình trên thế giới.

Bà đã sống qua những cuộc đấu tranh
chống kỳ thị chủng tộc diễn ra ở tiểu bang Alabama—một tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ–như chuyện Rosa Parks từ chối nhường chỗ cho đàn ông da trắng trên xe buýt ở Montgomery năm 1955, vụ nhóm da trắng cực đoan Ku Klux Klan đánh bom đốt cháy nhà thờ ở Birmingham năm 1963, John Lewis dẫn 600 người biểu tình da đen đòi quyền được bỏ phiếu đi qua cầu Edmund Pettus ở Selma và bị cảnh sát đánh vỡ sọ mùa Xuân năm 1965, và mục sư King dùng câu hát “Chúng ta sẽ khắc phục” trong bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một ước mơ” năm 1968 trước khi ông bị ám sát. Bà đã chứng kiến những thành công to lớn về mặt khoa học, kỹ thuật, và chính trị, như phi hành gia Mỹ đặt chân lên mặt trăng, Hoa Kỳ góp phần vào việc phá hủy bức tường Bá Linh và từ đó chấm dứt chiến tranh lạnh, bà cũng chứng kiến sự tiến bộ của kỹ thuật trong phương pháp bỏ phiếu bằng cách bấm nút computer. Qua nhiều chặng đường từ tăm tối đến vinh quang bà đã là nhân chứng của một xứ Hoa Kỳ vượt qua những khó khăn và không ngừng thay đổi để trở nên tốt đẹp hơn.

Ann Nixon Cooper—người đang sống và cũng đã chứng kiến trọn vẹn những xáo trộn đẫm máu của thế kỷ 20, cũng là hiện thân của thông điệp mà vị tân Tổng Thống muốn gửi gấm với thế hệ tương lai. Bà là biểu tượng của hy vọng, của khả năng (tái) sáng tạo của Hoa Kỳ. Obama kết thúc bài diễn văn như sau:
Nếu con của chúng ta có thể nhìn thấy thế kỷ tương lai, nếu hai bé gái của tôi may mắn được trường thọ như Ann Nixon Cooper, các con tôi sẽ nhìn thấy những gì được thay đổi? Chúng ta sẽ nhìn thấy những thành quả của chúng ta ra sao?
Đây là dịp chúng ta dấn thân. Đây là giây phút của chúng ta. Đây là thời đại của chúng ta, để giúp dân của chúng ta được việc làm và mở rộng những cánh cửa thuận lợi cho con của chúng ta; để phục hồi thịnh vượng và xúc tiến hòa bình; để tái tạo Giấc Mơ Hoa Kỳ và xác định lại chân lý căn bản, rằng từ những phần tử chúng ta kết thành một; rằng chúng ta mơ ước ngay trong lúc chúng ta thở; rằng khi chúng ta bị nghi vấn, hay dè bỉu, và đối với bất cứ ai nói với chúng ta rằng chúng ta không thể, chúng ta sẽ đáp lại với niềm tin bất diệt và cũng là biểu tượng cho tinh thần của nhân dân chúng ta:
“Chúng ta làm được.”

Phản ứng của Ann Nixon Cooper về việc Obama trở nên vị Tổng thống da đen đầu tiên là “tôi không bao giờ nghĩ việc này sẽ xảy ra. Tôi luôn luôn nghĩ lúc nào [Tổng Thống Hoa Kỳ] cũng phải là một người đàn ông da trắng. Bây giờ tôi thấy là mọi chuyện có thể thay đổi và tôi rất mừng về điều này.” Bà biết Obama nhắc đến tên bà trong bài diễn văn vì hội đồng tổ chức tranh cử đã gọi điện thoại cho bà trước đó, ngay cả vị Tân Tổng Thống cũng đã gọi và nhắn tin cho bà.

Tuy sức khỏe của cụ già hơn trăm tuổi này suy giảm nhiều cụ vẫn nói đùa khi đi bỏ phiếu bầu cho Obama, “Tôi không có thì giờ để chết.” Bí quyết sống lâu của bà là luôn luôn có óc khôi hài. Với những người trẻ tuổi bà khuyên “Cứ tiếp tục mỉm cười. Cho dù có chuyện gì đi nữa các cháu cứ tiếp tục đi bầu. Bỏ phiếu cho người các cháu chọn.” Bà cho biết giả thử như Obama không thắng cử bà cũng vẫn mừng là ông đã ứng cử. “Vị Tổng Thống da đen đầu tiên. Quả là một chuyện lạ ở tuổi 106, phải không?”

Hội đồng tranh cử của Obama biết đến bà khi nhìn thấy bà trên TV đi bỏ phiếu với sự tháp tùng của Thị trưởng. Ngày hôm sau Obama gọi điện thoại nhắn lại với bà là ông cám ơn sự ủng hộ của bà và sẽ áp dụng lời khuyên của bà là tiếp tục mỉm cười.

Nguồn:

http://www.timesonline.co.uk/tol/news/world/us_and_americas/us_elections/article5088360.ece
http://edition.cnn.com/2008/POLITICS/10/20/centenarian.votes/#cnnSTCText
http://www.timesonline.co.uk/tol/news/world/us_and_americas/us_elections/article5086178.ece

-----------------------------------
[1] Năm 1923, Tổng thống Taft đã cho ký đạo luật để phụ nữ được quyền bỏ phiếu. Năm ấy bà Cooper được 21 tuổi. Theo đúng luật bà được quyền bầu cử nhưng không biết tại sao bà không được thi hành quyền này.
[2] Do canh tác nông nghiệp sai lầm về mặt dẫn nước, cộng với cuộc hạn hán lâu dài, dân Mỹ đã làm chết cỏ không có gì để giữ đất khô biến thành bụi bay theo gió tạo thành những cơn bão bụi phá hủy mùa màng. Đa số bụi này bay theo gió rồi chìm xuống biển Atlantic.

No comments: